Cách nhận biết sách giả

Mấy hôm nay khá là bận nên không viết được nhiều. Tết cũng sắp đến rồi, nhưng hơi bận nên mình cũng không viết về đề tài tết. Có lẽ vài hôm nữa mình sẽ viết về tết. Còn bây giờ mình sẽ nói về sách giả và cách nhận biết chúng để mọi người có thể tham khảo. Nếu bạn có dự định tặng cho ai đó một quyển sách vào một dịp nào đó hay dịp tết này chẳng hạn, thì còn biết đường mà tránh. Mình sẽ không nói nhiều đến vấn đề sách giả, vì đây là một điều hơi khó nói, mà mình sẽ chỉ cho các bạn cách nhận biết sách giả đơn giản nhất để các bạn có thể biết có nên mua nó hay không.

Nói về sách giả thì khó nói lắm. Như mình đã nêu ở trên đấy, hơi khó nói một chút. Không phải là không biết nói mà là không biết phải nói làm sao. Một quyển sách là một thành quả của tác giả, là công sức mà họ đã bỏ ra. Là kiến thức mà họ muốn chia sẻ với mọi người. Và tiền của quyển sách đó là tiền cho nhiều thứ, công sức lao động trí óc của tác giả, công sức của những người in ấn nó, công sức của những người bán hàng nữa. Và giá một quyển sách có cao cũng hợp lý thôi nếu ta xét lại cho họ. Chỉ vài chục hay vài trăm nghìn mà bạn có được thành quả lao động biết bao thời gian của tác giả thì cũng xứng đáng thôi. Nhưng xét về người dùng thì sách giả lại có một chút gì đó để ta không nên thẳng tay bài trừ chúng. Một lý do dể hiểu nhất đó là các quyển sách dành cho học tập. Khi mà sách mỗi lần xuất bản có vài nghìn cuốn. Nhưng nhu cầu mua của học sinh sinh viên thì còn nhiều hơn thế. Và mấy nghìn cuốn như vậy thì chẳng đủ vào đâu. Còn sách photocopy thì chất lượng thì lại quá tệ, xem một lát là sứt bì rách giấy tùm lum. Do đó nếu là sách giả thì tôi cũng đồng ý mua. Thêm điều nữa đó là tuy giá sách là hợp lý, nhưng không phải ai cũng có điều kiện để mua, nên mua sách giả cũng là một sự lựa chọn của họ. Thêm phần nữa đó là không phải sách thật ở đâu cũng có, nên họ phải chọn sách giả thôi. Và còn nhiều lý do nữa khiến ta phải thông cảm cho sách giả. Vài dòng này để mọi người đừng tỏ ra cái nhìn gay gắt đối với sách giả. Còn sau đây là những cách để các bạn nhận biết được sách giả, để có thể tránh nếu muốn mua tặng cho ai đó. Hay những bạn yêu thích sách, đối với họ thì mua một quyển sách không chỉ để đọc, vì có nhiều quyển sách đã có đầy trên mạng, nhưng mình vẫn mua nó và xem nó như một sản phẩm, một tài sản để lưu giữ.

Nhìn từ bên ngoài thì ta có thể nhận ra sách giả ngay. Ngay từ cái giá của nó là ta có thể nghi ngờ được rồi. Sách giả thì chắc chắn rẻ hơn sách thật nhiều rồi. Nhưng cũng có những quyển sách giả giá cũng chỉ rẻ hơn sách thật chút đỉnh. Nên từ cái giá cũng hơi khó để nhận ra. Còn về việc có dán tem hay không thì cũng chưa thể khẳng định nó là sách giả hoàn toàn hay sách thật hoàn toàn được.

Sách giả khi cầm trên tay sẽ có cảm giác mềm hơn, không cứng và chắc tay như sách thật. Khi cầm trên tay bạn sẽ thấy nó mềm nhũng. Không được xốp như sách thật. Cảm giác như là cầm một cái túi nilon vậy. Nó mềm và không được chắc tay như sách thật. Bởi những nơi làm sách giả đấy họ không có được loại giấy chuyên để in sách mà chỉ dùng giấy photocopy để in thôi. Giấy này thì không thể tốt bằng giấy chuyên dụng dùng để in sách được. Khi cầm vào thì cũng không có cảm giác chắc tay. Nhìn vào phần dán keo ở gáy sách. Bạn sẽ thấy phần keo này có màu trắng. Keo nhiệt mà họ dùng sẽ có màu trắng chứ không trong ngà như keo mà các nhà xuất bản dùng để in sách được. Đối với sách thật thì bạn sẽ thấy phần keo này trong suốt và có phần hơi ngả vàng rất đẹp. Còn keo mà sách giả dùng thì trắng đục rất dễ biết. Loại keo dùng trong in sách là loại keo chuyên biệt được nhập ở nước ngoài nên những chỗ in sách giả sẽ không có được loại keo đó. Mặc dù chi phí cho máy đóng keo dùng để đóng sách giả ấy cũng trên 10 triệu.

Tiếp theo là phần hông của sách. Với sách thật thì ta sẽ thấy phần hông này rất mịn. Sờ vào rất trơn tru. Còn sách giả thì phần này không được đẹp cho lắm. Dễ thấy nhất là bạn sẽ thấy những đường như bị cào xéo từ trên xuống. Có thể có nhiều hoặc ít những đường này, to hoặc rất nhỏ, nhưng thường thì đa số sách giả đều có những đường đó. Nguyên nhân là do ở phần dao cắt giấy. Những nơi in sách giả đấy thường là đa năng, in ấn, photocopy, in giáo trình,.. Và họ đóng keo lẫn đóng bằng kim. Ví dụ như những quyển giáo trình đại học hay những quyển tài liệu ôn thi đại học. Chỉ đơn giản là đóng giấy lại bằng kim, cắt 4 cạnh cho đều rồi dùng một miếng băng keo màu dán lên che đi phần kim đi mà thôi. Và khi dùng dao cắt cắt các cạnh đó thì sẽ không bao giờ tránh khỏi việc cắt vào kim đó cả. Mỗi lần cắt trúng vào kim đó thì lưỡi dao cắt sẽ bị mẻ một lỗ, nhỏ hoặc to tùy vào mức độ.  Đến khi nào nặng lắm thì họ mới đi mài dao một lần. Và có mài thì lưỡi dao vẫn không đều hoàn toàn được. Vì vậy bạn sẽ thấy các cạnh của sách bị cào xéo vì những chỗ bị mẻ ấy không được sắc bén, nó cào giấy chứ không cắt ngọt lịm được. Thêm phần nữa là do giấy rất mỏng, nên khi sờ tay vào cạnh sách thì sẽ không êm tay. Thậm chí, không cẩn thận bạn có thể bị đứt tay nếu chỉ cầm vào cạnh của một tờ giấy, nhưng điều này rất ít khi xảy ra.

Những màu sắc, họa tiết in trên bìa sách cũng không thể sắc nét được. Bạn sẽ thấy màu của chúng không được tươi. Nhìn kỹ hơn thì sẽ thấy hình ảnh bị nhiễu. Các chi tiết bị nhiễu và không thể sắc nét được. Cho dù nó là một màu hoàn toàn thì màu sắc cũng không đều được. Bạn sẽ thấy nó bị nhiễu. Nguyên nhân là do họ dùng máy scan lạ bìa của quyển sách thật, rồi in màu để làm bìa cho quyển sách giả ấy. Cho dù máy scan có tốt cỡ nào thì hình cũng không thể nào được như sách thật được. Hình ảnh bị nhiễu rất nhiều. Cho dù họ có dùng file bìa sách thì khi in ra cũng không thể sắc nét như sách thật được. Một phần là do các ảnh đó có độ phân giải thấp, khi in ra sẽ bị vỡ khung ảnh. Phần còn lại là do máy in. Máy in mà họ dùng không bao giờ được như máy in của các nhà in chuyên in sách. Cho nên cho dù có đẹp cỡ nào cũng không thể đẹp bằng sách in được. Bạn có thể thấy rõ điều này ở các chi tiết hình ảnh nhỏ, một vùng một màu đồng nhất hay giữa chỗ giao nhau của hai màu sắc khác nhau. Nó chẳng thể nào bằng sách thật được. Máy in mà họ dùng thường là máy photocopy hoặc máy in văn phòng loại lớn. Những máy in của các nhà máy in đều nhập từ nước ngoài và hợp pháp, còn những chỗ in sách giả thì ngược lại. Cho nên hình ảnh mà sách giả in ra không thể nào tốt bằng sách thật được. Nếu họ dùng màu nước thì màu sẽ không được tươi, còn nếu họ dùng máy in lazer màu bột thì màu cũng không bằng sách thật được.

Thêm phần nữa là phần nhựa ép trên bìa sách và chất liệu của bìa sách. Loại nhựa họ ép lên bìa sách không thể nào mịn và đẹp bằng sách thật được. Trông nó bóng nhưng lại thô. Khi bạn vuốt lên thì không trơn nhẵn như sách thật được. Khi tay bạn có mồ hôi mà vuốt lên thì sẽ thấy bị rích, không trơn tru như sách thật. Giấy bì họ dùng cũng thường là giấy bìa định lượng 80. Nó dày hơn sách thật, không bóng bằng và một khi bị nếp gấp, ví dụ như lỡ làm một góc bìa bị xếp lại thì nó sẽ hằn dấu đó mãi mãi. Phần phía trong cũng không được ép nhự. Nếu có ép thì nó cũng giống như phần ngoài. Sách thật thì phần bìa trong cũng được ép nhựa với lớp nhựa mỏng hơn.

Loại giấy mà họ dùng để in sách giả thường là giấy photocopy có định lượng 65 trở xuống. Loại giấy này rất mỏng. Thậm chí có nơi họ còn dùng giấy mỏng đến nỗi bạn có thể nhìn xuyên qua mấy trang sách mà không cần lật qua trang. Và đụng hơi lỡ tay một cái là tiêu ngay. Về giấy này thì có nhiều điều để nói lắm. Đầu tiên là nó rất mỏng. Nó mỏng hơn giấy in sách rất nhiều. Tuy cũng có nhiều loại sách in bằng giấy mỏng. Nhưng những tờ giấy trên sách thật thì cảm giác chắc hơn nhiều. Loại giấy này thường rất trắng hoặc rất vàng. Không vàng ngà dễ đọc như sách thật. Nếu nó vàng thì cũng và một cách nhìn vào là khó chịu. Còn loại trắng thì rất trắng. Nhưng không trắng hoàn toàn. Nhìn kỹ vào bạn sẽ thấy có rất nhiều dấu chấm đen li ti trên đó. Thường thì loại giấy này là giấy tái sử dụng, được làm trắng bằng hóa chất. Nên cho dù có trắng đến cỡ nào thì nhìn vào cũng có vô số chấm đen. Mặt giấy thì bóng hơn sách thật. Do giấy mỏng, loại giấy này thường được cho thêm phụ gia để làm tăng độ dai của giấy nên nó bóng hơn giấy in sách thật. Nó giống như là có một lớp nhựa rất mỏng được phủ lên vậy. Nhìn nó bóng như một miếng nilon vậy. Không xốp như giấy in sách thật. Bạn sẽ không thể đếm hơn 15 tờ giấy mà không thay đổi ngón tay được. Loại giấy này cũng rất mỏng. Khi nhàu tờ giấy âm thanh sẽ chói hơn khi ta nhàu giấy in sách thật. Nó giòn và nghe chói hơn trong khi giấy in sách thật thì âm thanh nghe dịu hơn thậm chí là không có âm thanh. Và loại giấy này nếu không cẩn thận cũng sẽ bị đứt tay nếu vô tình để nó khứa vào da. Các cạnh giấy cũng không được trơn mà giống bị tưa ở cạnh. Có những loại giấy độ trơn của hai mặt giấy khác nhau.

Kỹ thuật in của sách giả thì không thể nào bằng sách thật được. Màu sắc không thể đều được như sách thật. Đặc biệt là những vùng cùng một màu và những đường nét nhỏ. Màu sắc không thể đều được mà bị lốm đốm, đứt đoạn. Nhìn vào là sẽ thấy ngay. Do họ thường dùng máy photocopy công nghiệp để in. Loại máy này và cả máy in văn phòng chỉ dùng để in chữ. Những chi tiết hình ảnh hay chi tiết nhỏ thì không thể nào thể hiện chân thật được. Màu sắc không được liên tục. Đặt biệt ở những hình ảnh trắng đen bạn sẽ thấy rõ. Còn đối với hình ảnh màu. Nếu họ in bằng màu nước thì hình ảnh sẽ không được rõ nét, màu sắc cũng nhợt nhạt đi rất nhiều. Còn nếu họ dùng máy in lazer sử dụng mực in dạng bột thì phần mực in đó sẽ rất bóng. Nhìn vào sẽ thấy ngay. Và tất nhiên nó cũng không chân thật được. Một là màu nhạt hơn, hai là màu quá tươi, quá đậm, ba là màu bị lem. Màu bị biến dạng như màu trắng bị ngả hơ vàng, hay mà trắng có một chút ám xanh, màu đỏ bị đậm hay bị chuyển thành cam. Tóm lại là nó không thể nào chân thật bằng sách thật được.

Các cạnh cũng được cắt gọt không đều nhau. Có thể phần chữ hơn sát cạnh hoặc sát gáy sách hoặc hơi xa cạnh. Khoảng cách chữ so với cạnh trên và so với cạnh dưới không đều nhau. Nhưng nhìn kỹ thì mới thấy rõ. Hình ảnh cũng có thể bị nhiễu hoặc bị lem do họ scan lại từ sách thật. Thậm chí dỡ tệ hơn, nhiều người làm sách giả còn để nguyên những dấu đen do làm hở trong lúc scan. Sát trong gáy sách có thể thấy vài chấm đen, hoặc thậm chí là có một phần của trang cạnh bên. Phần nội dung cũng không thể đồng đều được. Đơn giản nhất, bạn đưa tờ giấy lên phía có ánh sáng mạnh để xem hai mặt của trang sách có đồng đều nhau không. Số trang ở hai mặt giấy có vị trí trùng nhau không. Lề của hai mặt giấy có trùng nhau không. Nếu nó sai lệch nhiều, và sự sai lệch ở mỗi trang lại khác nhau thì chắc chắn nó là sách giả rồi.

Tóm lại, có thể phân biệt được sách giả khi ta cầm vào nó và lật ra vài trang sách. Cảm giác cầm vào không được chắc bằng sách thật. Màu sắc và chữ viết không được chân thật, không được đẹp bằng sách thật. Giấy thì mỏng và trơn hơn, dễ rách hơn, trắng hơn nhưng lại có những chấm đen lí tí. Keo đóng sách có màu trắng chứ không trong suốt. Nếu bạn thường xuyên đọc sách thì bạn sẽ nhận ra ngay đâu là sách thật đâu là sách giả. Hy vọng bạn sẽ có thể tránh nếu muốn mua tặng cho ai đó.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang