Ba quyển sách cho bạn thấy rằng xã hội không tốt đẹp như bạn nghĩ

Nhà văn người Mỹ Ernest Hemingway đã từng đưa ra khái niệm nguyên lý tảng băng trôi trong các tác phẩm văn học của ông, đại ý muốn nói rằng những giá trị mà một tác phẩm mang lại giống như phần chìm của một tảng băng, nó rất lớn và không phải ai cũng nhìn thấy. Nguyên lý tảng băng trôi đã được các tác giả theo đuổi và tạo ra các tác phẩm đầy chiều sâu trong rất nhiều lĩnh vực như văn học, điện ảnh, báo chí,… Khái niệm tảng băng trôi không những đúng trong văn học nghệ thuật, nó còn đúng trong chính xã hội mà chúng ta đang sống cho đến tận bây giờ.

Chúng ta được may mắn sống và làm việc trong một xã hội không chiến tranh, hạnh phúc và văn minh mà chúng ta đang thấy. Nhưng đó chỉ là bề nổi của tảng băng. Xã hội này rất phức tạp và còn có rất nhiều điều ẩn giấu ở phần chìm của tảng băng ấy mà không phải ai trong chúng ta cũng có thể nhìn thấy và hiểu được. Đôi khi chúng ta nghe một ai đó nói về một xã hội mục nát như thế này thế kia, nhưng chúng ta không tin vì quan điểm của ta và họ khác nhau. Nhưng cũng đôi khi vì chúng ta chưa thật sự hiểu về nó nên chúng ta sẽ dễ dàng bác bỏ những quan điểm ấy vì chúng không có tính thuyết phục. Hãy cùng điểm qua ba quyển sách đã được tác giả gửi gắm rất nhiều giá trị về hiện thực xã hội bên trong đó để thấy rằng: xã hội mà chúng ta đang sống thật sự không tốt đẹp như bạn nghĩ.

Bố Già – Mario Puzo

Bố Già có lẽ là cái tên mà không một ai chưa từng nghe tới. Có thể bạn đã đọc tiểu thuyết rồi, có thể bạn đã xem phim rồi, hoặc cũng có thể bạn chỉ nghe cái tên ấy được ai đó nhắc đến. Nếu chưa đọc, các bạn hãy tìm đọc bản dịch của dịch giả Ngọc Thứ Lang, đây là bản dịch hay nhất đến thời điểm hiện tại. Rất nhiều người đọc Bố Già và xem đó như là một quyển tiểu thuyết “võ lâm phiên bản Mỹ”, một số người khác thì lôi nó ra để chứng tỏ một điều gì đó với người khác. Nhưng người hiểu về Bố Già nhất phải là người hiểu về cái xã hội hư cấu mà tác giả đã vẽ ra, chứ không phải những câu chuyện đậm tính gangster hay mafia trong đó.

Bên cạnh những câu chuyện về cuộc chiến của những băng đảng giang hồ trên đất Mỹ, Bố Già còn vẽ ra một xã hội mục nát mà lại rất chân thực, nó phản ánh xã hội nước Mỹ và cả những đất nước khác, trong đó có chúng ta. Một xã hội mà có nơi người ta lại tin tưởng vào những băng đảng giang hồ hơn là cảnh sát, một xã hội mà cảnh sát bắt tay với những tên trùm ma túy, một xã hội mà những tên trùm tội phạm với vỏ bọc bên ngoài là những doanh nhân thành đạt.

Ngay từ những đoạn đầu tiên của tiểu thuyết, chúng ta thấy được cảnh một cô gái bị cưỡng dâm nhưng tòa chỉ xét xử hai tên tội phạm ấy chỉ 3 năm tù và được hưởng án treo. Người bố tức lộn ruột nhưng không biết phải làm gì khi chúng đã thao túng hết bộ máy chính quyền nơi đó. Ông phải tìm đến biện pháp cuối cùng đó là tìm đến bố già, để nợ máu phải trả bằng máu. Một câu hỏi đã được đặt ra ngay cho người đọc, đó là: “bạn cảm thấy xã hội bạn đang sống có giống như vậy không? Và bạn sẽ hành động như thế nào nếu như bạn là người đàn ông trong truyện?”

Có lẽ không một người Việt Nam nào mà không biết đến tên trùm tội phạm Năm Cam khét tiếng một thời. Khi Năm Cam bị đưa ra pháp luật, hàng loạt quan chức từ cấp cao cho đến tép rêu bị lộ mặt. Chúng ta đã từng có một tên siêu tội phạm đã thao túng gần một nửa bộ máy nhà nước, khiến chúng ung dung phạm tội hàng chục năm trời. Liệu bạn có cho rằng Năm Cam là trường hợp hi hữu? Hay xã hội mà chúng ta đang sống vẫn còn những thứ giống như thế nhưng chưa được đưa ra ánh sáng?

Những câu chuyện về một xã hội ngầm phía sau vẻ hào hoa mà chúng ta thấy. Những câu chuyện về những người thực thi công lý cấu kết với tộ phạm. Nó không chỉ đúng trong xã hội đương thời, mà nó còn đúng cả với xã hội của chúng ta tại thời điểm hiện tại. Không chỉ có thế, Bố Già còn rất nhiều điều để chúng ta có thể hiểu thêm về xã hội, về hiện thực, về công lý và nhiều thứ khác.

Hai số phận – Jeffrey Archer

Bạn đã từng nghe nói về chiến tranh chưa? Chắc chắn là có rồi, nhiều nữa là đằng khác. Ngay từ những bài học đầu tiên, chúng ta đã bị nhồi nhét một tinh thần yêu chiến tranh trong những bài học và cả những câu truyện kể ngoại khóa. Nếu như bạn nghĩ chiến tranh là một cuộc chiến giữa một bên thiện và bên ác, một bên chính nghĩa và vô nghĩa thì bạn thật sự chưa hiểu hết về nó.

Ngay từ những phần đầu tiên trong tiểu thuyết, Hai số phận đã đưa chúng ta nhìn thấy một viễn cảnh tàn khốc của chiến tranh. Không phải về những người lính, không phải về bom đạn và súng ống, mà là góc nhìn về những người dân lương thiện đang sống dưới cuộc chiến đó. Chúng ta thấy một bá tước bị quân lính chiếm nhà, bắt giam ông trong hầm tối cho đến chết. Chúng ta thấy cảnh những tên lính thèm khát tình dục thay nhau hãm hiếp một cô gái cho đến chết. Và chúng ta thấy một đứa trẻ mười mấy tuổi phải tự mình đào mộ chôn người chị của mình, cũng chính là cô gái vừa bị hãm hiếp lúc nảy.

Chưa hết, chúng ta còn thấy đứa trẻ ấy phải giết chết một đứa trẻ khác cùng trang lứa với mình để được tồn tại trong cuộc sống khắc nghiệt ấy. Những người nông dân lương thiện bị bắt làm tù binh, bị bóc lột nặng nề và đối xử tàn tệ cho đến chết, còn chiến tranh thì chưa biết bao giờ mới kết thúc. Nếu bạn nghĩ rằng người dân không phải là thứ mà chiến tranh nhắm đến thì bạn đã sai lầm. Họ sẽ bị đưa đến những trại tù mà nơi đó không cần canh gác, vì bạn sẽ chết đói khi chưa chạy trốn đến được nơi có bóng người. Bạn sẽ bị bắt làm việc như một con thú để phục vụ cho cuộc chiến ấy. Và nếu như họ thua cuộc, bạn cũng sẽ bị giết chết và sẽ chẳng ai biết được đã từng có một trại tù chiến tranh ở nơi đó. Còn ở một nơi khác, có những con người giàu có đang toan tính hãm hại nhau từng ngày.

Hai số phận còn cho chúng ta thấy một xã hội rất thực, rất gần gũi với thực tế. Hai nhân vật chính của chúng ta, một người tìm đến sự trưởng thành bằng cách thuê một cô gái điếm dạy anh về tình dục, còn một người thì vụng trộm với vợ của thầy giám thị. Một khách sạn làm ăn sa sút vì người quản lý yếu kém, còn nhân viên thì tha hồ bòn rút tiền bạc. Tất cả mọi thứ, dù tàn khốc hay hài hước cũng đều vẽ ra một bức tranh sinh động và vô cùng thực tế về xã hội mà chúng ta đang sống.

Đội gạo lên chùa – Nguyễn Xuân Khánh

Nguyễn Xuân Khánh không phải là cái tên mà đại đa số công chúng biết đến, nhưng nếu đã đọc qua tác phẩm của ông rồi, bạn sẽ không thể nào quên được cái tên này. Bởi lẽ những tác phẩm của ông tuy không nhiều nhưng lại rất có chiều sâu, và đặc biệt là ông đã dám chỉ ra nhiều vấn đề với một cái nhìn khách quan và đa chiều nhất. Đọc tác phẩm của ông, chúng ta còn hiểu thêm được những khía cạnh khác của những thứ gần gũi mà chúng ta tưởng chừng như đã hiểu hết về chúng.

Lấy đề tài khá nhạy cảm mà ít ai dám đụng đến là chính trị và tôn giáo, hai thứ tưởng chừng như chẳng ăn nhập gì với nhau nhưng lại được ông kết hợp khéo léo tạo nên một bức tranh đầy đủ và trọn vẹn nhất về xã hội Việt Nam trong thời kỳ chống Pháp. Đọc Đội gạo lên chùa, chúng ta hiểu thêm về sự hoàn tục, lại hiểu thêm tâm tư của những người lính Pháp đang bị mang tiếng là thực dân xâm lược.

Một thầy đội độc tài trở thành ông vua con một cõi của cả vùng làng Sọ. Thầy đội ấy lại vụng trộm với một người phụ nữ đã có chồng. Một nhà sư từ nhỏ đã vào chùa nhưng lại vướng phải ái tình mà bỏ chùa, trở lại làm còn người phàm tục trước sự gièm pha của thiên hạ. Một sư cụ gần như đã trở thành phật sống lại uống nước thịt luộc. Những vấn đề gây tranh cãi nhất và nhạy cảm nhất lại được tác giả nêu ra và lý giải một cách vô cùng tinh tế, khiến ta vừa hiểu thêm về chúng lại vừa trầm trồ thán phục trước những hiểu biết khổng lồ của tác giả Nguyễn Xuân Khánh.

Đọc đội gạo lên chùa, bạn sẽ hiểu thêm về cái thiện và cái ác, về cái xã hội tốt đẹp nhưng lại vô cùng xấu xa, một xã hội xấu xa nhưng lại ẩn chứa bên trong đó cái đẹp. Nếu như bạn vẫn không tìm thấy một tác phẩm văn học Việt Nam nào thật sự có chất lượng, bạn sẽ tìm thấy điều đó khi đọc Đội gạo lên chùa.

Mọi thứ đều có hai mặt của nó, có thiện và ác, có tốt và xấu để tạo nên sự cân bằng. Đôi khi chúng ta chỉ nhìn thấy cái tốt của vấn đề mà không nhận ra cái xấu đang ẩn giấu bên trong đó. Cũng đôi khi chúng ta chỉ nhìn thấy cái xấu mà không quan tâm đến cái tốt cũng đang hiện diện dù chỉ là ít ỏi. Kiến thức là vô tận, quan điểm của con người là muôn màu muôn vẻ. Sách không những giúp chúng ta biết thêm về những câu chuyện mà chúng ta chưa được biết, mà còn cho chúng ta thấy những góc nhìn mới mẻ mà đôi khi chúng ta chưa hề nhìn thấy, hiểu được những thứ mà trước giờ chúng ta chỉ hiểu chúng qua cái vẻ bề ngoài. Không chỉ có xã hội mà mọi thứ khác cũng vậy, phía dưới lớp vỏ hào nhoáng mà chúng ta được thấy mỗi ngày đôi khi chứa đựng những điều gì đó dơ bẩn bên dưới, cũng đôi khi bên trong lớp vỏ xấu xí kia lại là một vẻ đẹp đáng trân trọng. Đọc sách không chỉ để biết thêm nhiều thứ, mà còn để hiểu thêm về những thứ mà trước giờ ta đã từng hiểu.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang